• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg

Pháp luật sở hữu trí tuệ

Thứ hai, 16 Tháng 6 2014 01:31
Share on Facebook

VỀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET[1]

                                                                                                                        Đỗ Khắc Chiến

VPLS Phạm và Liên danh

 

SAO CHÉP VÀ TRUYỀN DỮ LIỆU TRÊN INTERNET

Công nghệ số cho phép sử dụng dữ liệu[2] để biểu diễn và lưu trữ mọi tư liệu được thể hiện dưới hình thức đồ thị[3] hoặc âm thanh.

Như vậy, mọi đối tượng bảo hộ thuộc lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan[4] mà hình thức thể hiện là đồ thị hoặc âm thanh đều có thể được định hình[5] bằng dữ liệu sao cho dựa vào đó đối tượng bảo hộ có thể được nhận biết[6], sao chép[7] hoặc truyền đạt[8], trực tiếp hoặc thông qua một thiết bị.

Ví dụ tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm hội họa, tác phẩm nghe nhìn, chương trình máy tính, bản ghi âm, cuộc phát sóng đều có thể được định hình bằng tệp[9] dữ liệu.  

Hiện nay, dữ liệu được truyền trên Internet nhờ công nghệ mang tên“nối chuyển gói”[10], sử dụng bộ giao thức Internet TCP/IP.

Hệ quả quan trọng nhất mà việc sử dụng công nghệ truyền nối chuyển gói trên Internet mang lại đối với lĩnh vực quyền tác giả là bản sao tạm thời[11] của dữ liệu luôn phải được tạo ra tại bộ nhớ động của máy tính (RAM)[12] ở điểm nút trung gian trên mạng hoặc bộ nhớ động của thiết bị thực hiện chức năng tương tự như vậy trong quy trình truyền dữ liệu.

Yêu cầu phải tạo ra bản sao tạm thời của dữ liệu tương ứng với đối tượng bảo hộ dẫn đến sự khác biệt căn bản về sao chép trong môi trường Internet và môi trường truyền thống, vì pháp luật quyền tác giả trong môi trường truyền thống được thiết kế và xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các mối quan hệ gắn với bản sao hữu hình[13].

Trong môi trường truyền thống, nói chung dễ biết việc bản sao đối tượng bảo hộ được tạo ra, đồng thời có ranh giới rõ ràng giữa hoạt động sử dụng đối tượng bảo hộ gắn với bản sao[14] và không gắn với bản sao[15].

Trong môi trường Internet, nói chung khó biết việc bản sao, đặc biệt là bản sao tạm thời, được tạo ra và hiện diện ở đâu trên Internet. Đồng thời, ranh giới giữa hoạt động sử dụng đối tượng bảo hộ gắn với bản sao và không gắn với bản sao bị lu mờ, vì hầu như mọi hình thức sử dụng đối tượng bảo hộ đã biết trong môi trường truyền thống[16] đều luôn đi kèm với sao chép đối tượng bảo hộ, ít nhất là sao chép tạm thời, trong môi trường Internet.

QUYỀN SAO CHÉP TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET

Bản sao tạm thời và quyền sao chép

Nếu bản sao tạm thời được coi là bản sao theo mục đích bảo hộ quyền tác giả thì phạm vi bảo hộ[17] quyền sao chép (độc quyền kiểm soát hoạt động sử dụng đối tượng bảo hộ của người nắm giữ quyền sao chép) trong môi trường Internet được mở rộng so với trong môi trường truyền thống. Đồng thời, vì bản sao tạm thời phải được tạo ra trong hầu hết trường hợp sử dụng đối tượng bảo hộ nên các quyền tương ứng với các hình thức sử dụng khác không còn độc lập với quyền sao chép.

Vì lý do tương tự, các giới hạn[18] đối với độc quyền (các trường hợp pháp luật trực tiếp cho phép sử dụng đối tượng bảo hộ, bất kể người nắm giữ quyền đồng ý hay không) bị thu hẹp so với trong môi trường truyền thống.

Sự thay đổi phạm vi bảo hộ và giới hạn quyền, đến lượt chúng, có tác động trực tiếp và quyết định đối với việc xác định hành vi xâm phạm[19] quyền tác giả, tức là đối với thực thi [20]quyền tác giả.

Hai tiêu chí chủ yếu nhất để phân biệt bản sao hữu hình hoặc cố định[21] với bản sao tạm thời lưu trữ trong RAM là (i) việc lưu trữ dữ liệu trong RAM có được coi là định hình[22] đối tượng bảo hộ hay không và (ii) khoảng thời gian tồn tại của dữ liệu trong RAM là bao lâu để bản sao không bị coi là chỉ mang tính chuyển tiếp[23].

Về hai tiêu chí trên, hiện đang có ý kiến khác nhau hoặc sự chia rẽ quan điểm giữa các hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp và giới học giả. Một số cho rằng bản sao tạm thời hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí chung về bản sao; một số khác cho rằng bản sao tạm thời không đáp ứng các tiêu chí chung về bản sao; một số khác nữa cho rằng bản sao tạm thời chỉ đáp ứng các tiêu chí chung về bản sao nếu một số điều kiện được đảm bảo; số còn lại không có ý kiến.

Bản sao tạm thời theo WCT và WPPT

Hai điều ước quốc tế đa phương là Hiệp ước WIPO[24] về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước WIPO về Biểu diễn và ghi âm (WPPT) đã được thông qua vào năm 1996[25] nhằm cập nhật sự phát triển trong lĩnh vực quyền tác giả do tác động của Internet. Đồng thời, hai Hiệp ước WIPO cũng được dự kiến để làm cho pháp luật quyền tác giả đã xác lập tại thời điểm đó trong các nước thành viên tương thích hơn với các quy định của Hiệp định TRIPS[26].

Mục đích của WCT là củng cố thêm Công ước Berne[27] công ước quốc tế đầu tiên về quyền tác giả, còn mục đích của WPPT là củng cố thêm Công ước Rome về bảo hộ quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng[28] (thường gọi chung là quyền liên quan).

Tuy nhiên, đối với quyền sao chép, WCT và WPPT vẫn để ngỏ vấn đề bản sao tạm thời, chỉ dừng lại ở mức đưa vào ghi chú những “tuyên bố theo thỏa thuận”[29], theo đó lưu trữ đối tượng bảo hộ dưới hình thức số được coi là làm bản sao[30]. Do đó có thể xảy ra tình trạng không rõ ràng trong quy định thi hành WCT và WPPT tại các nước thành viên, đặc biệt là vì Điều 9 Công ước Berne cho phép thành viên quy định những ngoại lệ nhất định đối với quyền sao chép[31].

Để thích nghi với môi trường Internet, WCT và WPPT quy định một quyền mới trong quyền tác giả, với tên gọi “quyền chuẩn bị sẵn để công chúng tiếp cận”[32]. Quyền chuẩn bị sẵn để công chúng tiếp cận là yếu tố trung tâm của cái gọi là “giải pháp cái ô[33] về các quyền cần được quy định trong hoạt động truyền số tương tác[34] qua mạng máy tính toàn cầu (Internet)[35].

Trong quá trình chuẩn bị WCT và WPPT, nhận thức được đa số thống nhất là việc sử dụng đối tượng bảo hộ trên Internet và truyền đối tượng bảo hộ qua Internet (hoặc mạng tương tự có thể có trong tương lai) phải thuộc độc quyền kiểm soát của người nắm giữ quyền. Đồng thời, cũng có mong muốn chung là cố gắng áp dụng tối đa các chuẩn mực đã được thiết lập để điều chỉnh hiện tượng mới này (vì hoạt động thực tiễn, quan hệ hợp đồng, v.v. đã được khẳng định dựa trên các chuẩn mực đó có thể tiếp tục được tận dụng).

Có thể nhận thấy rằng hoạt động truyền tương tác làm lẫn lộn ranh giới giữa hai nhóm quyền truyền thống đồng thời cũng là hai nhóm quyền tách biệt nhau trong quyền tác giả, đó là nhóm quyền gắn với bản sao và nhóm quyền không gắn với bản sao.

Trong các nước có dự kiến điều chỉnh hoạt động truyền tương tác, xuất hiện hai xu hướng chính, một số dựa trên quyền phân phối[36] còn một số dựa trên quyền truyền đạt tới công chúng [37]. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng quyền phân phối hoặc quyền truyền đạt, thậm chí tổ hợp của hai quyền đó, để giải quyết vấn đề truyền tương tác không chỉ đơn thuần là sự lựa chọn một quyết định.

Trong trường hợp quyền phân phối, ở nhiều nước khái niệm phân phối gắn liền với chuyển giao[38] tài sản và/hoặc chiếm giữ bản sao hữu hình[39]. Nếu áp dụng quyền phân phối thì phải khẳng định rằng việc chuẩn bị sẵn bản sao thông qua truyền dữ liệu tới máy tính hoặc thiết bị cuối cũng thuộc phạm vi quyền phân phối.

Trong trường hợp quyền truyền đạt, có hai vấn đề cần được làm rõ, đó là (i) truyền đạt bao gồm tình huống mà công chúng phải tác động để hệ thống thiết bị làm cho việc truyền đạt xảy ra trên thực tế[40] và (ii) khái niệm “công chúng” phải được giải thích để bao gồm trường hợp sử dụng phương thức truyền theo yêu cầu[41].

Quyền chuẩn bị sẵn để công chúng tiếp cận được quy định tại Điều 8 WCT (đối với tác phẩm), Điều 10 WPPT (đối với cuộc biểu diễn) và Điều 14 WPPT (đối với bản ghi âm).

Phương án mà WCT và WPPT lựa chọn là áp dụng quyền truyền đạt, bằng cách (i) mở rộng phạm vi áp dụng quyền truyền đạt tới mọi loại hình tác phẩm[42] và (ii) khẳng định phạm vi quyền truyền đạt bao gồm truyền trong hệ thống tương tác[43].

WCT và WPPT dành cho các bên cam kết quyền lựa chọn phương án thi hành các quy định, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện riêng của mình.

Bản sao tạm thời theo pháp luật của EU

Năm 2001 Nghị viện và Ủy ban EU đã thông qua một đạo luật với tên gọi “Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu về hài hòa một số khía cạnh của quyền tác giả và quyền liên quan trong xã hội thông tin”[44] (sau đây gọi tắt là Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu), nhằm đảm bảo việc thi hành WCT và WPPT trong khối.

Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu khẳng định mạnh mẽ các quyền của người nắm giữ quyền trong kiểm soát việc sao chép, phân phối và giới thiệu đối tượng bảo hộ trên Internet.

Về quyền sao chép, Điều 2 Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu buộc các thành viên phải “quy định độc quyền cho phép hoặc cấm làm bản sao tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trực tiếp hoặc gián tiếp, cố định hoặc tạm thời, dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào”.

Lời văn của Điều 2 và bình luận chính thức về Điều 2 Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu chứng tỏ quan niệm rộng về phạm vi bản sao, bao gồm bản sao tạm thời được tạo ra trong quá trình truyền hoặc sử dụng đối tượng bảo hộ trong môi trường trực tuyến.

Tuy nhiên, để cân bằng lại, Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu quy định tại Điều 5(1) các ngoại lệ trực tiếp[45] đối với quyền sao chép, trong trường hợp “hành vi sao chép tạm thời…là hành vi quá độ hoặc xảy ra ngẫu nhiên mà là một phần cấu thành và phần quan trọng của quy trình công nghệ với mục đích duy nhất là cho phép: (a) truyền trên mạng giữa các bên thứ ba do bên trung gian thực hiện và (b) thực hiện việc sử dụng hợp pháp đối với tác phẩm hoặc đối tượng bảo hộ khác mà việc sử dụng đó không có tầm quan trọng độc lập về kinh tế.”

Dường như quy định về ngoại lệ tại Điều 5(1) Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu bao hàm quy trình lưu trữ và chuyển tiếp được các định tuyến[46] lựa chọn và ít nhất cũng bao gồm bản sao tạo ra trong RAM do hoạt động duyệt web[47] của người sử dụng cá nhân (vấn đề duyệt web nhằm mục đích thương mại có tầm quan trọng kinh tế độc lập hay không chưa rõ).

Ngoại lệ theo Điều 5(1) nói trên không áp dụng đối với chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu, vì các đối tượng đó được điều chỉnh bằng các đạo luật riêng.

Như vậy, Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu cho phép làm bản sao khi sử dụng đối tượng bảo hộ một cách ngẫu nhiên thông qua một quy trình công nghệ, chẳng hạn như truyền đối tượng bảo hộ qua mạng hoặc tải đối tượng bảo hộ vào bộ nhớ để xem hoặc trình diễn.

Có thể thấy, về nguyên tắc, quy định về phạm vi quyền sao chép tại Điều 2 và ngoại lệ tại Điều 5(1) Đạo luật Quyền tác giả Châu Âu đã tạo ra cơ sở rõ ràng cho việc xác định hành vi sao chép tạm thời trong môi trường Internet[48].

Bản sao tạm thời theo pháp luật Hoa Kỳ và phán quyết của tòa án Hoa kỳ

Hoa kỳ ban hành Đạo luật Quyền tác giả số thiên niên kỷ[49] (sau đây gọi tắt là DMCA) ngày 28 tháng 10 năm 1998, nhằm thi hành các hiệp định WIPO (WCT và WPPT). Tuy nhiên, DMCA không quy định rõ ràng về phạm vi quyền sao chép trong môi trường số.

Như vậy, tại Hoa Kỳ phạm vi quyền sao chép trong môi trường số hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào sự diễn giải và áp dụng pháp luật quyền tác giả của hệ thống tư pháp[50], thông qua hoạt động xét xử cụ thể tại tòa án dựa trên cơ sở giải thích và áp dụng quy định về quyền tác giả trong môi trường truyền thống và/hoặc án lệ. Qua một loạt phán quyết của tòa án Hoa Kỳ, có thể thấy vấn đề quyền sao chép trong môi trường Internet chưa được giải quyết thống nhất.

Phán quyết trong vụ MAI Systems Corp. v. Peak Computer[51] khẳng định rằng theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì việc tải một chương trình máy tính vào RAM được coi là làm bản sao, trên cơ sở lập luận rằng bản sao có thể được tạo ra trong mỗi giai đoạn truyền tác phẩm qua Internet.

Nhưng trong vụ Inc. v. Devcom Mid-Am., Inc[52]. (sau MAI) dường như tòa án lại cho rằng việc tiếp cận chương trình máy tính từ một chương trình mô phỏng thiết bị cuối[53] không được coi là làm bản sao. Trong vụ Lewis Galoob Toys, Inc. v. Nintendo of America, Inc. phán quyết cũng tương tự.

Mặc dầu vậy, trong trường hợp liên quan đến bản sao tạm thời, đa số các vụ do tòa án Hoa Kỳ xét xử đều theo phán quyết trong vụ MAI.

Bản sao tạm thời theo pháp luật Việt Nam

Luật SHTT hiện hành (Luật sửa đổi Luật SHTT năm 2009) hoàn toàn không quy định về bản sao tạm thời trong môi trường Internet. Quy định duy nhất đề cập đến bản sao tạm thời là quy định tại điểm d) khoản 1 Điều 32 Luật SHTT nói về quyền làm bản sao tạm thời của tổ chức phát sóng, tức là quy định về bản sao tạm thời hữu hình.

Tuy nhiên, Luật SHTT năm 2005 đã từng quy định tại khoản 10 Điều 4 rằng “[s]ao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”[54].

Sửa đổi tương tự cũng đã được thực hiện (theo Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 09 năm 2011) đối với quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2006 về bản sao tạm thời.

Với sửa đổi nói trên, pháp luật quyền tác giả Việt Nam khẳng định rõ ràng rằng bản sao tạm thời dưới dạng điện tử không phải là bản sao theo mục đích bảo hộ quyền tác giả, tức là hành vi làm bản sao tạm thời không thuộc độc quyền kiểm soát của người nắm giữ quyền.

KHẢ NĂNG ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET

Trên nguyên tắc, quy định pháp luật quyền tác giả hiện hành của Việt Nam có thể được giải thích và/hoặc áp dụng trong môi trường Internet tương tự như trong môi trường truyền thống, với điều kiện bản sao tạm thời không được coi là bản sao theo mục đích bảo hộ quyền tác giả.

Trên thực tế, kết quả nghiên cứu và phân tích cho thấy khả năng điều chỉnh hành vi trên Internet của pháp luật quyền tác giả Việt Nam rất hạn chế, vì các quy định pháp luật nội dung về quyền tác giả còn rất nhiều bất cập, khiến cho việc giải thích và/hoặc áp dụng ngay trong môi trường truyền thống cũng khó thực hiện, thậm chí trong một số không ít trường hợp là bất khả thi.[55]

Tuy nhiên, mục đích của bài viết này không phải là diễn giải và phân tích các quy định nội dung của pháp luật quyền tác giả Việt Nam.

 

Nguồn: Bài tham luận "Hội thảo bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam"

tại trường ĐH. Luật TP. Hồ Chí Minh



[1] Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả; bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đều có thể sử dụng bài viết dưới hình thức sao chép, với điều kiện tôn trọng các quyền nhân thân theo quy định của pháp luật quyền tác giả.

[2] Trong môi trường Internet, “dữ liệu” dùng để chỉ dữ liệu số (digital data).

[3] Graphic: thể hiện trên không gian hai chiều, bằng dấu hiệu, ngôn ngữ, đường nét, mầu sắc, hình ảnh.

[4] Để thuận lợi cho việc trình bầy và theo dõi, trong bài viết này “quyền tác giả” có thể dùng để chỉ chung “quyền tác giả và quyền liên quan”, “đối tượng bảo hộ” có thể dùng để chi chung đối tượng bảo hộ thuộc quyền tác giả (tác phẩm văn học và nghệ thuật, hoặc tác phẩm) và đối tượng bảo hộ thuộc quyền liên quan (cuộc biểu diễn, bản ghi âm[4] hoặc ghi hình, cuộc phát sóng), trừ trường hợp cần phân biệt rõ.

[5] To fix (fixation).

[6] To be perceived.

[7] To be reproduced, to be copied.

[8] To be communicated.

[9] File.

[10] Packet switching.

[11] Interim or temporary.

[12] Random access memory.

[13] Tangible copy or tangible reproduction.

[14] Copy-related.

[15] Non-copy-related.

[16] Ví dụ sao chép, phân phối, biểu diễn, trưng bầy, truyền đạt.

[17] Scope of protection.

[18] Limitations and exceptions.

[19] Infringement.

[20] Enforcement.

[21] Permanent.

[22] Khi tắt nguồn máy tính thì dữ liệu trong RAM biến mất và có thể chỉ một phần dữ liệu xuất hiện trong RAM.

[23] Transitory.

[24] Tổ chức Tài sản trí tuệ thế giới (World Intellectual Property).

[25] WCT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6 tháng 3 năm 2002 và WPPT từ ngày 20 tháng 5 năm 2002.

[26] Việt Nam chưa phải là thành viên của hai Hiệp ước WIPO, nhưng trong tương lai nếu Việt Nam tham gia TPP thì bắt buộc phải gia nhập.

[27] Công ước về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, được thông qua năm 1886.

[28] Được thông qua năm 1961.

[29] Agreed Statements.

[30] Ghi chú 1 tại Điều 1 WCT và ghi chú 6 tại Điều 7 WPPT.

[31] Theo Công ước Vienna 1969, Tuyên bố theo thỏa thuận là bằng chứng về phạm vi và ý nghĩa của lời văn trong điều ước.

[32] “making available to the public”.

[33] “umbrella solution”. Nhằm dành quyền linh hoạt cho các thành viên trong quy định hình thức thực hiện.

[34] Interactive digital transmissions.

[35] Trong Công ước Berne, phạm vi của quyền chuẩn bị sẵn để công chúng tiếp cận rộng hơn so với “xuất bản”, vì bao gồm cả hành vi gắn với bản sao và hành vi không gắn với bản sao (Điều 7(2) và (3)).

[36] Distribution right.

[37] Right of communication to the public.

[38] Transfer.

[39] Học thuyết bán lần đầu (first-sale) hoặc cạn kiệt quyền (exhaution of right) được áp dụng.

[40] Trong môi trường truyền thống, công chúng chỉ cần mở thiết bị thu để tiếp nhận sự truyền đạt âm thanh, hình ảnh hoặc hình ảnh và âm thanh.

[41] On demand: công chúng bao gồm nhiều cá thể tiếp cận đối tượng bảo hộ tại địa điểm khác nhau, thời điểm khác nhau.

[42] Quyền truyền đạt theo Công ước Berne chỉ áp dụng đối với một số loại hình tác phẩm, ví dụ sân khấu, âm nhạc, nhạc kịch.

[43] Đương nhiên, hoạt động truyền tương tác luôn kéo theo làm bản sao, ít nhất là bản sao tạm thời.

[44] “European Copyright Directive on the Harmonization of Certain Aspects of Copyright and

Related Rights in the Information Society”.

[45] Không phụ thuộc vào quy định của pháp luật các nước thành viên.

[46] Router.

[47] Web browsing.

[48] Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có sự khác biệt tại thành viên trong thi hành Điều 2.

[49] The Digital Millennium Copyright Act.

[50] Cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải thích và áp dụng pháp luật tại Hoa kỳ.

[51]991 F.2d 511 (9th Cir. 1993), cert. dismissed, 114 S. Ct. 672 (1994).

[52] 45 F.3d 231 (7th Cir.1995).

[53] Terminal emulation program.

[54] Việc sửa đổi quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT (2005) là hệ quả của nhiều ý kiến phản biện về tác động tiêu cực của quy định về bản sao tạm thời.

[55] Một giải pháp tình thế nhưng rất quan trọng trong trường hợp này là áp dụng quy định của các điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam (Công ước Berne, Công ước Rome, Công ước Geneva, Công ước Brussels, Hiệp định TRIPS).

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2668912
TodayToday170
YesterdayYesterday261
This WeekThis Week1258
This MonthThis Month5894
All DaysAll Days2668912
Highest 01-12-2015 : 9844