Chủ nhật, 27 Tháng 4 2014 05:31
Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật EU và pháp luật Việt Nam
Share on Facebook

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Dẫn nhập

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng trong pháp luật dân sự cũng như trong tư pháp quốc tế. Về nguyên tắc, quan hệ thừa kế nếu không có yếu tố nước ngoài sẽ chịu sự điều chỉnh của chính pháp luật quốc gia.

Tuy nhiên, sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế về các mặt, sự di dân quốc tế đã làm phát sinh trên thực tế nhiều quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Về mặt lý luận, các hệ thống pháp luật của các quốc gia đều bình đẳng với nhau, do đó, quan hệ thừa kế có liên quan đến bao nhiêu quốc gia thì pháp luật của các nước đó đều có khả năng được áp dụng. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền sẽ cần xác định hệ thống pháp luật áp dụng và sự xác định đó được dựa trên nguyên tác chọn luật được quy định trong các quy phạm pháp luật xung đột.

Tại Việt Nam, quy phạm pháp luật xung đột điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài được quy định trong phần thứ bảy Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS 2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là những quy phạm pháp luật xung đột lần đầu tiên được xây dựng trong pháp luật Việt Nam, thể hiện bước tiến của pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên những quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi cần hoàn thiện hơn. Bài viết này sẽ tập trung vào (i) phân tích quy phạm pháp luật xung đột điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Liên minh Châu Âu; (ii) phân tích quy phạm pháp luật xung đột điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam; (iii) so sánh quy định trong pháp luật Việt Nam với pháp luật Liên minh Châu Âu nhằm đánh giá những thành công và hạn chế trong quy định của pháp luật Việt Nam từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

 

2. Giới thiệu khái quát pháp luật Liên minh Châu Âu về giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế

Tại Liên minh Châu Âu (EU) nguồn luật điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài là Nghị định số 650/2012 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về Thẩm quyền, Luật áp dụng, Công nhận và Thi hành các quyết định, Chấp thuận và Thực thi các biện pháp chính thức trong các vấn đề về thừa kế, Tạo lập Giấy chứng nhận của Châu Âu về Thừa kế(sau đây xin gọi tắt là Nghi định Brussels IV); Nghị định này được ban hành chính thức vào ngày 17 tháng 08 năm 2012 và sẽ áp dụng cho các tài sản của cá nhân qua đời kể từ ngày 17 tháng 08 năm 2015 về sau[1].

Nghị định này được ban hành trong bối cảnh hợp tác hóa giữa các nước thành viên trong EU ngày càng trở nên gắn kết và tác động mạnh mẽ đến bối cảnh kinh tế - xã hội của toàn khu vực, bao gồm cả việc thúc đẩy nguồn lực lao động xuyên biên giới, gây áp lực rất lớn lên nhu cầu giải quyết các vụ việc liên quan có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả vấn đề về thừa kế di sản. Theo thống kê, hàng năm ở khu vực này trung bình phát sinh khoảng 4.5 triệu vụ việc về thừa kế, trong đó có khoảng 10% liên quan đến yếu tố nước ngoài với giá trị của các vụ việc thừa kếxuyên biên giới hiện nay vào khoảng 123 tỷ euro mỗi năm[2]. Vì vậy, nhu cầu hợp tác và đơn giản hóa lĩnh vực tư pháp quốc tế liên quan đến vấn đề thừa kế là một nội dung quan trọng trong chương trình xây dựng luật của EU. Việc ban hành Nghi định Brussels IVvới các quy định về thừa kế trong EU, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi quan trọng trong vấn đề thừa kế cho những cá nhân có tài sản tại khu vực này hay có các mối liên hệ với các nước thành viên tham gia Nghi định này[3].

Mục tiêu của Nghi định Brussels IV là nhằm xóa bỏ các trở ngại để có thể thúc đẩy sự di chuyển tự do xuyên biên giới của các quốc gia liên quan tới tài sản của các cá nhân; cho phép công dân các nước EU có thể chuẩn bị, sắp xếp một cách tốt nhất việc thừa kế của mình; và bảo vệ quyền lợi của những người được thừa kế, người thừa tự và các thành viên trong gia đình, và các bên có quyền lợi liên quan (như người cấp tín dụng).

Về phạm vi áp dụng, Nghị địnhBrussels IV được áp dụng cho các trường hợp liên quan đến tài sản thừa kế, bao gồm thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Có một số ngoại lệ liên quan đến phạm vi áp dụng của Nghị định này, như liên quan đến thuế, đến tài sản theo thỏa thuận trong quan hệ hôn nhân... không được điều chỉnh bởiNghị định Brussel IV. Các quyền về tài sản, lợi tức và tài sản hình thành hoặc chuyển giao ngoài thừa kế (như tặng cho) cũng sẽ nằm ngoài phạm vi của Nghị định này. Bên cạnh đó các quy định theo Nghị định này cũng sẽ không có hiệu lực hồi tố. Trong Nghị định Brussels còn có những ngoại lệ liên quan đến các vấn đề về ủy thác, bảo lưu những trường hợp liên quan đến chuyển giao tài sản và xác định những người thụ hưởng dù là ủy thác theo pháp luật hoặc theo thừa kế.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của Nghị định Brussel IVlà thống nhất áp dụng duy nhất một hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ thừa kế theo pháp luật, hạn chế những khác biệt trong pháp luật quốc gia thành viên EU về vấn đề này. Ngoài ra, phù hợp với các quy định của tư pháp quốc tế trong EU, một trong những điểm lưu ý quan trọng trong Brussels IV là khẳng định không áp dụng Renvoi (không áp dụng các quy tắc xung đột của hệ thống pháp luật nước ngoài) đối với vấn đề xác định luật áp dụng trong trường hợp i) luật của quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ như là một ngoại lệ của luật áp dụng (khoản 2, điều 21), luật theo lựa chọn của người để lại di sản thừa kế (điều 22), hiệu lực về hình thức phải tuân thủ pháp luật quốc gia mà người để lại di sản thừa kế mang quốc tịch (điểm b, khoản 1, điều 27), hiệu lực về hình thức của tuyên bố chấp nhận di sản thừa kế (điều 28) và liên quan đến tài sản là bất động sản (điều 30), cũng như không phải phân chia tài sản thành động sản hay bất động sản để lựa chọn hệ thống pháp luật để áp dụng cho mỗi trường hợp (split-system).

Về thẩm quyền xét xử, Theo Nghị định Brussels IV, nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền liên quan đến xung đột về thừa kế được quy định tại điều 4, theo đó “tòa án của quốc gia thành viên nơi người để lại di sản thừa kế cư trú thường xuyên tại thời điểm qua đời sẽ có thẩm quyền giải quyết tất cả các vấn đề về thừa kế”. Như vậy, nếu một người có quốc tịch của một trong các nước thành viên qua đời trên lãnh thổ của quốc gia thành viên khác và quốc gia này là nơi người đó thường xuyên cư trú (habitual residence),[4] thì các vấn đề liên quan đến thừa kế của người đó sẽ được giải quyết bởi tòa án của quốc gia đó. Tuy nhiên, cũng cần nên lưu ý rằng thuật ngữ thường xuyên cư trú mặc dù đã được sử dụng trong một số điều ước trước đây của EU; tuy nhiên, việc Nghị định Brussels IV không đưa ra một định nghĩa nào liên quan đến thuật ngữ này cũng sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng vì nó chưa được quy định một cách đồng nhất giữa các nước thành viên, điều này dẫn đến hệ quả rằng các tòa án của các nước sẽ có cách áp dụng khác nhau trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, thuật ngữ này có thể sẽ được giải thích bởi Tòa án Công lý EU.

Bên cạnh đó, nếu như người để lại di sản thừa kế đã có sự sắp xếp lựa chọn luật áp dụng đối với di sản thừa kế của họ (theo điều 22), thì trong trường hợp này, các bên liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế có thể thực hiện thỏa thuận đồng ý lựa chọn tòa án của nước nơi người để lại di sản thừa kế đã chọn để toàn quyền giải quyết các vấn đề liên quan trong trường hợp này (theo điều 5). Ngoài ra, nếu như các bên liên quan không có sự đồng thuận, thì theo yêu cầu của một hay một số các bên liên quan trong vụ án, tòa án nơi người để lại di sản thừa kế sinh sống thường xuyên có thể xem xét để từ chối thẩm quyền xét xử của mình bằng cách trao cho tòa án nơi được người để lại di sản thừa kế lựa chọn luật áp dụng giải quyết vụ việc. Trong đó, theo điều 6,[5] tòa án sẽ cân nhắc dựa trên hai yếu tố chính: (i) nơi thường xuyên cư trú của các bên liên quan; (ii) nơi tọa lạc của tài sản thừa kế.

3. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo Nghị định Brussel IV và theo pháp luật Việt Nam

3.1 Nguyên tắc chung và ngoại lệ

Khoản 1, điều 21 Nghị định Brussel IVquy định: “Ngoại trừ những điều khoản ngoại lệ theo Nghị định này, luật áp dụng để giải quyết một cách tổng thể các trường hợp về thừa kế sẽ là pháp luật của quốc gia nơi mà người quá cố có nơi cư trú thường xuyên”. Điều này đồng nghĩa với việc tòa án của quốc gia nơi người để lại di sản cư trú thường xuyên sẽ áp dụng chính hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Điều này sẽ là một trong những chìa khóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết một cách dễ dàng và hiệu quả các tranh chấp liên quan đến thừa kế xuyên biên giới của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, Nghị định Brussels IV còn là một bộ quy tắc mở khi cho phép trong các trường hợp mà ở đó, nếu người để lại di sản có một mối liên hệ rõ ràng và gần gũi với một quốc gia mà không phải là quốc gia mà người đó có nơi cư trú thường xuyên, thì hệ thống pháp luật của quốc gia đó sẽ được áp dụng (khoản 2, điều 21 Nghị định), như vậy sẽ có những trường hợp phát sinh và cần sự giải thích của tòa án khi chứng minh sự (i) rõ ràng và (ii) gần gũi đến mức độ để loại trừ khả năng áp dụng của hệ thống pháp luật của nơi người để lại di sản cư trú thường xuyên.

Góc so sánh: Tại Việt Nam,Khoản 1, Khoản 2 Điều 767 Bộ luật dân sự (BLDS) Việt Nam quy định, thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết, quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Quy định này cho thấy, khác với pháp luật EU, pháp luật Việt Nam có sự phân chia di sản thành động sản và bất động sản để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật, đối với di sản là động sản sẽ áp dụng pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết, đối với di sản là bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. Việc quy định như trên là hoàn toàn thống nhất với quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[6]. Tuy nhiên, so sánh với pháp luật Nghị định Brussels IV, có thể nhận thấy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 767 BLDS Việt Nam 2005 đã bộc lộ một số điểm vướng mắc gây khó khăn trong quá trình áp dụng như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1, điều 767BLDS Việt Nam 2005 không quy định rõ là áp dụng đối với di sản là động sản mà chỉ quy định một cách chung chung: “thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết”. Khi đọc quy định này, chúng ta có thể hiểu rằng pháp luật Việt Nam không phân chia di sản thành động sản và bất động sản mà coi di sản thành một khối thống nhất và áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch của người để lại di sản trước khi chết để giải quyết. Tuy nhiên, khi đọc quy định tại khoản 2 Điều 767 Bộ luật dân sự 2005: “quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó” chúng ta khẳng định được rằng Pháp luật Việt Nam có sự phân chia di sản thành động sản và bất động sản trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật cụ thể là khoản 2 Điều 767 Bộ luật dân sự 2005 áp dụng đối với di sản là bất động sản, còn khoản 1 Điều 767 Bộ luật dân sự 2005 chỉ áp dụng đối với di sản là động sản. Việc pháp luật Việt Nam không quy định một cách rõ ràng như vậy có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo luật tại Việt Nam.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 767 BLDS 2005 thì pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết sẽ được áp dụng đối với di sản là động sản. Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào là “pháp luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch trước khi chết”, thuật ngữ “trước khi chết” không xác định được một thời điểm cụ thể và có thể gây nên cách hiểu là kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế chết trở về trước, bất kỳ một hệ thống pháp luật của nước nào mà người để lại di sản thừa kế đã từng có quốc tịch thì Tòa án đều có thể áp dụng. Quy định này không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định hệ thống pháp luật cần được áp dụng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm tác giả, pháp luật Việt Nam khi chia di sản thừa kế thành động sản và bất động sản để áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau có ưu điểm hơn pháp luật EU. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, các vấn đề liên quan đế bất động sản thường thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án quốc gia nơi có bất động sản[7], pháp luật của quốc gia nơi có bất động sản thường được áp dụng giải quyết vì đối với bất động sản, hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất chính là pháp luật của nước nơi có bất động sản. Nhưng cũng không thể phủ nhận, việc phân chia di sản thừa kế thành động sản và bất động sản cũng có hạn chế nhất định vì trong nhiều trường hợp, tòa án sẽ phải áp dụng các hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau.

3.2 Quyền lựa chọn pháp luật áp dụng

Bên cạnh nguyên tắc chung, Điều 22 Nghị định Brussels IV của EU còn cho phép người để lại di sản thừa kế quyền lựa chọnpháp luật áp dụng cho quan hệ thừa kế. Cụ thể, “cá nhân có thể lựa chọn hệ thống pháp luật của quốc gia mà người đó mang quốc tịch tại thời điểm mà người đó lựa chọn hoặc vào thời điểm mà người đó qua đời để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thừa kế”. Như vậy, bên cạnh việc đưa ra nguyên tắc chung là áp dụng pháp luật nơi cư trú thường xuyên của người để lại di sản thì Brussels còn cho phép áp dụng theo quốc tịch như là trường hợp ngoại lệ theo ý chí của người để lại di sản. Đối với việc lựa chọn này, nếu như người để lại di sản chỉ tuyên bố lựa chọn pháp luật quốc tịch để điều chỉnh thì vào thời điểm qua đời, pháp luật của quốc gia mà người đó mang quốc tịch sẽ được áp dụng[8]; tuy nhiên, nếu việc lựa chọn luật này còn chỉ rõ ra quốc tịch của quốc gia một cách cụ thể thì hệ thống pháp luật được áp dụng sẽ là pháp luật của quốc gia đó. Trường hợp người để lại di sản thừa kế có từ hai quốc tịch trở lên thì sẽ có quyền chọn lựa hệ thống pháp luật của một trong các quốc gia mà người đó có quốc tịch.

Việc lựa chọn hệ thống pháp luật để điều chỉnh liên quan đến thừa kế không đồng nghĩa với việc áp dụng một cách hoàn toàn các vấn đề về thừa kế mà chỉ giới hạn liên quan đến các vấn đề sau:

a) lý do, thời gian, nơi mở thừa kế;

b) xác định người thụ hưởng thừa kế, trách nhiệm nghĩa vụ với người để lại di sản, nội dung quyền thừa kế, gồm cả quyền của người vợ/chồng còn sống của người để lại di sản;

c) năng lực hưởng thừa kế;

d) loại trừ hưởng quyền thừa kế và không đáp ứng được hưởng thừa kế;

e) chuyển giao thừa kế;

f) sự chi phối của người hưởng thừa kế;

g) trách nhiệm nợ của người để lại thừa kế;

h) những phần được hưởng của khối di sản, những phần riêng, những phần hạn chế liên quan những phần di sản của người để lại di sản cũng như là những người có mối liên hệ gần gũi đối với người để lại di sản có thể đối nghịch với quyền của những người được thừa kế;

i) nghĩa vụ bồi hoàn hay tài sản được tặng cho, phần chia di sản ưu tiên đối với những người đồng thừa kế;

j) quy trình chia di sản.

Góc so sánh: so sánh với pháp luật Việt Nam, như đã phân tích ở Mục 3.1. pháp luật Việt Nam không thừa nhận quyền chọn luật của người để lại di sản thừa kế mà pháp luật áp dụng được xác định theo quy định tại Điều 767 BLDS Việt Nam. Theo quan điểm của nhóm tác giả, quy định này có phần hợp lý. Vì trong pháp luật EU, nguyên tắc chính trong việc xác định pháp luật áp dụng là áp dụng pháp luật của nước mà người để lại di sản cư trú thường xuyên với giả định rằng đó là hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất với quan hệ thừa kế do phần lớn tài sản của người để lại di sản thừa kế sẽ nằm ở đó. Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật cũng có mối quan hệ gắn bó với người để lại di sản thừa kế là luật của nước mà người đó có quốc tịch. Do đó, việc cho phép chọn hệ thống pháp luật quốc gia áp dụng là giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, với sự phân chia di sản thừa kế thành động sản và bất động sản và cho phép áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau, trong đó động sản phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch. Vì vậy, trong trường hợp này, không thật hợp lý nếu cho phép chọn luật áp dụng. Hơn nữa, trong quan hệ thừa kế theo pháp luật, việc cho phép chọn pháp luật áp dụng theo đúng nghĩa là nhằm xác định được hệ thống pháp luật áp dụng theo ý chí của người để lại di sản thừa kế. Các vấn đề cụ thể trong quan hệ thừa kế đó sẽ được giải quyết theo hệ thống pháp luật được chọn. Nếu người để lại di sản thừa kế đã ý thức được về số phận di sản thừa kế của mình sẽ được giải quyết như thế nào sau khi chết thì người đó có thể lập di chúc để định đoạt số phận di sản của mình. Do đó, trong quan hệ thừa kế theo pháp luật, không nên trao quyền chọn pháp luật áp dụng cho người để lại di sản thừa kế.

3.3 Về nội dung và hình thức của việc “sắp xếp di sản sau khi qua đời” và “thỏa thuận về thừa kế”[9]

Theo Điều 26 Nghị định Brussels IV, hiệu lực về nội dung của các hình thức trên cần phải xem xét bởi các yếu tố:

a) Năng lực của người sắp xếp phân chia di sản để thực hiện việc phân chia di sản đó;

b) Những nguyên nhân cụ thể đưa ra sự ưu đãi khác biệt đối với những người được hưởng di sản hoặc loại trừ việc hưởng di sản của những người liên quan;

c) Sự chấp nhận cho việc đại diện đối với mục đích đưa rasự sắp xếp đối với tài sản sau khi chết;

d) Việc giải thích đối với việc sắp xếp tài sản;

e) Gian lận, lừa dối, nhầm lẫn hay các vấn đề khác liên quan đến sự đồng ý hay mục đích của người để lại di sản thừa kế

Điều 27 Nghị định này quy định, việc sắp xếp tài sản sau khi qua đợi được thực hiện dưới hình thức văn bản sẽ có hiệu lực với hình thức đó nếu nó phù hợp theo pháp luật của:

  1. a)Quốc gia nơi mà việc phân chia di sản được tạo lập hoặc thỏa thuận về hưởng thừa kếđược quyết định;
  2. b)Quốc gia nơimà người để lại di chúc mang quốc tịch hoặc của ít nhất một người trong số những người tham gia thỏa thuận về thừa kế có quốc tịch; dù là tại thời điểm sắp xếp về di sản thừa kế hay thời điểm thỏa thuận để thừa kế được thực hiện, hoặc vào thời điểm người để lại thừa kế qua đời;
  3. c)Quốc gia nơi người để lại di chúc hoặc hoặc của ít nhất một người trong số những người tham gia thỏa thuận về thừa kế có nhà ở; dù là tại thời điểm sắp xếp về di sản thừa kế hay thời điểm thỏa thuận để thừa kế được thực hiện, hoặc vào thời điểm người để lại thừa kế qua đời;
  4. d)Quốc gia nơi người để lại di chúc hoặc hoặc của ít nhất một người trong số những người tham gia thỏa thuận về thừa kế có nơi cư trú thường xuyên; dù là tại thời điểm sắp xếp về di sản thừa kế hay thời điểm thỏa thuận để thừa kế được thực hiện, hoặc vào thời điểm người để lại thừa kế qua đời;
  5. e)Trong trường hợp tài sản liên quan đến bất động sản, thì phải phù hợp với pháp luật nơi bất động sản đó tọa lạc.

Về hình thức di chúc, các nước EU thống nhất áp dụng theo nội dung của Công ước Lahaye 1961 về hình thức di chúc. Theo đó, di chúc sẽ được xem là hợp pháp nếu đáp ứng điều kiện về hình thức di chúc của một trong các hệ thống pháp luật sau đây[10]:

-                  Pháp luật của nước nơi lập di chúc;

-                  Pháp luật của nước mà người để lại di chúc mang quốc tịch vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm người đó chết;

-                  Pháp luật của nước mà người để lại di chúc cư trú vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm người đó chết;

-                  Pháp luật của nước nơi người lập di chúc thường trú vào thời điển người đó lập di chúc hoặc vào thời điểm người đó chết;

-                  Pháp luật của nước nơi có bất động sản nếu di chúc có liên quan đến di sản là bất động sản.

Có thể thấy rằng, quy định này của Công ước Lahaye 1961 về hình thức di chúc rất mềm dẻo, không bắt buộc hình thức di chúc phải tuân theo bất kỳ một hệ thống pháp luật nào mà chỉ cần đáp ứng điều kiện của một trong tám hệ thống pháp luật đã nêu trên thì di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật. Quy định này đã tạo điều kiện rất thuận lợi để di chúc có giá trị pháp lý.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho di chúc có hiệu lực, thể hiện ý chí của người chết pháp luật Việt Nam nên quy định mềm dẻo hơn về hình thức di chúc bằng cách sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 768 Bộ luật dân sự 2005 như sau: “Hình thức của di chúc có thể tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc hoặc pháp luật của nước nơi lập di chúc”. Cách quy định này sẽ mở ra nhiều khả năng hơn để di chúc có hiệu lực trên thực tế nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự.

Góc so sánh:

Tại Việt Nam, Khoản 1 Điều 768 BLDS Việt Nam 2005 quy định: “năng lực lập, sửa đổi, hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân”. Quy định trên không cho thấy rõ ràng về thời điểm để xác định pháp luật của nước mà người lập di chúc mang quốc tịch. Vì thế, nếu thời điểm lập di chúc và thời điểm người để lại di chúc chết không trùng nhau thì theo khoản 1 Điều 768 BLDS 2005 chúng ta có thể hiểu theo hai hướng đó là pháp luật của nước mà người để lại di chúc là công dân vào thời điểm người đó lập di chúc hoặc pháp luật của nước mà người đó là công dân vào thời điểm người đó chết đều có thể được áp dụng. Theo nhóm tác giả, pháp luật của nước mà người để lại di chúc là công dân trong trường hợp này nên được hiểu là pháp luật của nước mà người đó là công dân vào thời điểm lập di chúc bởi để di chúc có hiệu lực pháp luật thì một trong những điều kiện cần thiết đó là người lập di chúc phải đáp ứng đủ điều kiện về năng lực lập di chúc chẳng hạn như người đó phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi, tinh thần minh mẫn…vào thời điểm lập di chúc, những vấn đề này mang tính nhân thân và sẽ chịu sự điều chỉnh của luật nhân thân (luật quốc tịch hoặc luật nơi cư trú của người lập di chúc) vào thời điểm lập di chúc. Như vậy, chính pháp luật của nước mà người đó là công dân vào thời điểm lập di chúc mới là hệ thống pháp luật có liên quan mật thiết, chi phối, có tác động đến năng lực của người lập di chúc cũng như tính hợp pháp của di chúc. Vì những lý do trên, thiết nghĩ khoản 1 Điều 768 Bộ luật dân sự 2005 nên được sửa đổi như sau: “ Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân vào thời điểm lập, sửa đổi, hủy bỏ di chúc”.

Về hình thức di chúc, khoản 2 Điều 768 BLDS Việt Nam 2005 quy định “hình thức di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc”. Ngoài ra, khoản 2 Điều 13 Nghị định 138/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành phần thứ VII BLDS 2005 còn quy định một trường hợp ngoại lệ đó là di chúc của người Việt Nam lập ở nước ngoài cũng sẽ được coi là hợp pháp nếu tuân theo quy định của Pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc. Với quy định này pháp luật Việt Nam đã thu hẹp khả năng có hiệu lực của di chúc, chưa tạo điều kiện tốt nhất để di chúc có hiệu lực và trên thực tế nếu áp dụng quy định này thì sẽ có rất nhiều trường hợp di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật bởi một công dân Việt Nam hay công dân của bất kỳ một quốc gia nào thông thường họ sẽ am hiểu những quy định của pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch hoặc nước mà họ cư trú vào thời điểm chết hoặc thời điểm lập di chúc nhưng có rất nhiều trường hợp họ lại không thể lập di chúc tại nước mà họ mang quốc tịch hoặc cư trú, lúc này nếu bắt buộc di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc thì không hợp lý bởi người này không am hiểu quy định của pháp luật nước nơi lập di chúc.

 

Về nội dung của di chúc, pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng. Tuy nhiên, một trong những nội dung có thể xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật trong quan hệ thừa kế theo di chúc chính là về nội dung của di chúc. Ví dụ, pháp luật của Việt Nam có quy định về trường hợp thừa kế bắt buộc không phụ thuộc vào nội dung di chúc[11] trong khi đó pháp luật nhiều nước không quy định về vấn đề này. Hoặc một ví dụ khác, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định về việc các thú vật nuôi có thể được hưởng di sản thừa kế theo ý chí của người để lại di sản thừa kế trong di chúc nhưng pháp luật một số nước thừa nhận vấn đề này. So sánh với pháp luật EU, Điều 26 Nghị định Brussels IV có quy định về những yếu tố cần xem xét khi xem xét hiệu lực về nội dung của di chúc. Thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam nên bổ sung quy phạm xung đột về xác định pháp luật áp dụng đối với nội dung của di chúc. Theo quan điểm của nhóm tác giả, nội dung di chúc nên được điều chỉnh bởi chính hệ thống pháp luật điều chỉnh năng lực lập, hủy bỏ, thay đổi di chúc nhưng phải đảm bảo điều kiện không vi phạm các quy phạm pháp luật bắt buộc trong pháp luật quốc gia mà người để lại di sản có quốc tịch vào thời điểm lập, hủy bỏ, thay đổi di chúc.

 

 

 

 

 



[1]GIORGIO BUONO, EU Regulation on Succession and Wills Published in the Official Journal, 28 July 2012, http://conflictoflaws.net/2012/eu-regulation-on-succession-and-wills-published-in-the-official-journal/.

[2]GIORGIO BUONO, EU Regulation on Succession and Wills Published in the Official Journal, 28 July 2012, http://conflictoflaws.net/2012/eu-regulation-on-succession-and-wills-published-in-the-official-journal/.

[3]Một số nước thànhthành viên EU như Anh, Ireland và Đan Mạch chưa tham gia vào Nghị định Brussels IV trong thời điểm hiện tại.

 

[4] Tại nước Anh, thuật ngữ ‘habitual residence’ từ vụ Marinos được Tòa tối thượng hướng dẫn áo dụng như sau:

-          Thuật ngữ nơi cư trú thường xuyên của EU được xác định trọng tâm ở các lợi ích của cá nhân liên quan hơn là thời gian sinh sống cụ thể là ngắn hay dài;

-          Một công dân EU có thể có nhiều nơi cư trú, nhưng sẽ chỉ có một nơi được xác định là cư trú thường xuyên;

-          Cũng tương tự như vấn đề thay đổi nơi trú ngụ, nơi cư trú thường xuyên ở EU có thể mất đi hoặc tạo lập chỉ trong vòng mộtngày.

[5] Xem nội dung Brussels IV tại

http://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2012:201:0107:0134:EN:PDF

[6]Điều 39 Hiệp Định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam- Liêng Bang Nga, Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam – Lào, Điều 34 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam – Mông cổ…

[7]Ví dụ tại Việt Nam, vấn đề này được quy định trong Điều 411(1) BLTTDS

[8]Barbara R. Hauser, European HarmonizationWill Brussels IV succeed? , November 2010, http://www.brhauser.com/articles/trustsestateseuharmonizationoct2010hauserlayoutver2.pdf

[9]Theo nguyên ngữ trong tiếng Anh, hai thuật ngữ này lần lượt là i)“Dispositions property upon death”, đây là một loại hình di chúc (chung hoặc cá nhân), trong đó chứa đựng quyết định chọn luật của người để lại di sản thừa kế; ii) “Agreement as to succession” là một loại hình của ‘dispositions property upon death’, theo đó là sự thỏa thuận về việc định đoạt tài sản trong tương lai khi một trong những người thỏa thuận qua đời.

[10]Điều 1 Công ước Lahaye 1961 về hình thức di chúc

[11]Xem Điều 747 BLDS Việt Nam

 

 

TS.Lê Thị Nam Giang

 

THS.Ngô Kim Hoàng Nguyên

 

HVCH.Nguyễn Lê Hoài