• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg

Bài viết

Chủ nhật, 27 Tháng 4 2014 05:02
Share on Facebook

Hiệp ước Washington về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp

 

(Được thông qua tại Washington năm 1989)

 

Danh mục các Điều

 

Điều 1   Thành lập Liên minh

Điều 2   Định nghĩa

Điều 3   Đối tượng của Hiệp ước

Điều 4   Hình thức bảo hộ pháp lý

Điều 5   Đối xử quốc gia

Điều 6   Phạm vi bảo hộ

Điều 7   Khai thác, Đăng ký, Bộc lộ

Điều 8   Thời hạn bảo hộ

Điều 9   Hội đồng

Điều 10 Văn phòng Quốc tế

Điều 11 Sửa đổi các quy định của Hiệp ước

Điều 12 Bảo vệ Công ước Paris và Công ước Berne

Điều 13 Bảo lưu

Điều 14 Giải quyết tranh chấp

Điều 15 Trở thành thành viên của Hiệp ước

Điều 16 Hiệu lực của Hiệp ước

Điều 17 Bãi ước

Điều 18 Văn bản Hiệp ước

Điều 19 Lưu chiểu

Điều 20 Ký kết


 

Điều 1

Thành lập Liên minh

 

            Các Bên ký kết hợp thành một Liên minh nhằm thực hiện các mục đích

của Hiệp ước này.

 

Điều 2

Định nghĩa

            Trong Hiệp ước này:

            (i) "mạch tích hợp" có nghĩa là một sản phẩm, dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử - với ít nhất một phần tử tích cực - và một số hoặc tất cả các mối nối được gắn liền trong và/hoặc trên một miếng vật liệu và nhằm thực hiện một chức năng điện tử,

            (ii) "thiết kế bố trí (topograph)" có nghĩa là sự sắp xếp trong không gian ba chiều thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào của các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực, và của một số hoặc tất cả các mối nối của một mạch tích hợp, hoặc sự sắp xếp trong không gian ba chiều như vậy của một mạch tích hợp được thiết kế để sản xuất mạch tích hợp nói trên,

            (iii) "người nắm giữ quyền" có nghĩa là thể nhân, hoặc pháp nhân mà theo luật tương ứng, được coi là người được hưởng sự bảo hộ nêu tại Điều 6,

            (iv) "thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ" có nghĩa là một thiết kế bố trí (topograph) đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ quy định trong Hiệp ước này,

            (v)"Bên ký kết" có nghĩa là một Nước hoặc một Tổ chức liên Chính phủ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu tại mục (x), tham gia   Hiệp ước này,

            (vi) "lãnh thổ của Bên ký kết" trong trường hợp Bên ký kết là một Nước có nghĩa là lãnh thổ của Nước đó, trong trường hợp Bên ký kết là một Tổ chức liên Chính phủ có nghĩa là lãnh thổ nơi áp dụng hiệp ước thành lập Tổ chức liên Chính phủ đó,

            (vii) "Liên minh" có nghĩa là Liên minh được nêu tại Điều 1,

            (viii) "Hội đồng" có nghĩa là Hội đồng được nêu tại Điều 9,

            (ix) "Tổng Giám đốc" có nghĩa là Tổng Giám đốc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới,

            (x) "Tổ chức liên Chính phủ" có nghĩa là tổ chức được tạo thành hoặc được thiết lập bởi các Nước trong bất kỳ khu vực nào trên thế giới, có thẩm quyền đối với các vấn đề được Hiệp ước này điều chỉnh, có quy định pháp luật riêng của mình về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp (topograph) và ràng buộc tất cả các Nước thành viên của mình vào các quy định đó, và được uỷ quyền một cách hợp pháp theo các thủ tục nội bộ của mình để ký kết, phê chuẩn, chấp nhận, hoặc tham gia Hiệp ước này.

 

Điều 3

Đối tượng của Hiệp ước

            (1) [Nghĩa vụ bảo hộ các thiết kế bố trí (topograph)]

            (a) Mỗi Bên ký kết có nghĩa vụ bảo đảm việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các thiết kế bố trí (topograph) trên toàn bộ lãnh thổ của mình phù hợp với Hiệp ước này. Đặc biệt, mỗi Bên ký kết phải bảo đảm các biện pháp thích đáng để   ngăn ngừa các hành vi bị coi là trái pháp luật theo Điều 6 và các chế tài pháp lý thích hợp đối với các hành vi đó.

            (b) Quyền của người nắm giữ quyền đối với một mạch tích hợp không phụ thuộc vào việc mạch tích hợp đó có được thể hiện trên một đồ vật hay không.

            (c) Không lệ thuộc Điều 2(i), bất cứ Bên ký kết nào mà luật quốc gia hạn chế việc bảo hộ thiết kế bố trí (topograph) trong các thiết kế bố trí (topograph) của các mạch tích hợp bán dẫn sẽ được tự do áp dụng giới hạn đó chừng nào luật quốc gia còn quy định giới hạn đó.

            (2) [Yêu cầu về Tính nguyên gốc]

            (a) Nghĩa vụ được quy định tại khoản (1)(a)   được áp dụng đối với các thiết kế bố trí (topograph) có tính nguyên gốc với nghĩa các thiết kế bố trí đó là thành quả nỗ lực trí tuệ của những người tạo ra chúng và không phải là thông thường đối với các nhà tạo ra thiết kế bố trí (topograph) và các nhà sản xuất mạch tích hợp tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

            (b) Một thiết kế bố trí (topograph) là sự kết hợp các phần tử và các mối nối thông thường chỉ được bảo hộ nếu toàn bộ sự kết hợp đó đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm (a) trên đây.

 

Điều 4

Hình thức bảo hộ pháp lý

            Mỗi Bên ký kết được tự do thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước này bằng một luật riêng về thiết kế bố trí (topograph) hoặc bằng luật của mình về quyền tác giả, patent, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc bất cứ luật nào khác hoặc dưới hình thức kết hợp giữa các luật đó.

 

Điều 5

Đối xử quốc gia

            (1) [Đối xử quốc gia]

            Với điều kiện tuân thủ các nghĩa vụ của mình được quy định tại Điều 3(1)(a), về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các thiết kế bố trí (topograph), trong phạm vi lãnh thổ của mình mỗi Bên ký kết phải dành sự đối xử như với công dân của mình cho:

              (i) các thể nhân là công dân hoặc cư dân trong lãnh thổ của các Bên ký kết khác, và

            (ii) các pháp nhân hoặc các thể nhân có cơ sở tạo thiết kế bố trí (topograph) hoặc sản xuất các mạch tích hợp thực sự và có hoạt động trong lãnh thổ của các Bên ký kết khác,

            (2) [Đại diện, Địa chỉ liên lạc, Thủ tục tư pháp]

            Không lệ thuộc vào khoản (1), bất cứ Bên ký kết nào cũng được tự do không áp dụng chế độ đối xử công dân liên quan đến các nghĩa vụ như chỉ định một đại diện hoặc chỉ định một địa chỉ liên lạc hoặc các nguyên tắc áp dụng riêng cho người nước ngoài trong các thủ tục tư pháp.

            (3) [áp dụng các khoản (1) và (2) cho các Tổ chức liên Chính phủ]

         Nếu bên ký kết là một Tổ chức liên Chính phủ, "các công dân" trong khoản (1) có nghĩa là các công dân của bất cứ Nước thành viên nào của Tổ chức đó.

 

Điều 6

Phạm vi bảo hộ

            (1) [Các hành vi phải được phép của Người nắm giữ quyền]

            (a) Bất cứ Bên ký kết nào cũng phải coi các hành vi sau đây là hành vi trái pháp luật nếu được thực hiện mà không có sự đồng ý của người nắm giữ quyền:

               (i) hành vi sao chép, dù bằng cách thể hiện trong một mạch tích hợp hay bằng cách khác, một thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ , trừ hành vi sao chép bất kỳ phần nào của thiết kế bố trí đó không đáp ứng các yêu cầu về tính nguyên gốc quy định tại Điều 3(2);

               (ii) hành vi nhập khẩu, bán hoặc phân phối theo cách khác nhằm mục đích thương mại một thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ hoặc một mạch tích hợp thể hiện thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ.

            (b) Bất cứ Bên ký kết nào cũng được tự do coi các hành vi khác không được quy định tại đoạn (a) trên đây là hành vi trái pháp luật nếu chúng được thực hiện mà không có sự đồng ý của người nắm quyền.

            (2) [Các hành vi không cần có sự cho phép của người giữ quyền]

            (a) Không lệ thuộc vào khoản (1), không một Bên ký kết nào phải coi là trái pháp luật đối với việc một bên thứ ba thực hiện hành vi sao chép nêu tại khoản (1)(a)(i), mà không có sự đồng ý của người nắm quyền, nhằm mục đích cá nhân hoặc chỉ nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu hoặc giảng dạy.

            (b) Trường hợp bên thứ ba nói tại điểm (a)   dựa trên cơ sở đánh giá hoặc phân tích thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ ("thiết kế bố trí (topograph) đầu tiên") mà tạo ra một thiết kế bố trí (topograph) đáp ứng các yêu cầu về tính nguyên gốc nêu tại Điều 3(2) ("thiết kế bố trí (topograph) thứ hai"), bên thứ ba đó có thể thể hiện thiết kế bố trí (topograph) thứ hai trong một mạch tích hợp hoặc thực hiện bất cứ hành vi nào nêu tại khoản (1) đối với thiết kế bố trí (topograph) thứ hai mà không bị coi là vi phạm quyền của người nắm giữ quyền đối với thiết kế bố trí (topograph) thứ nhất.

            (c) Người nắm giữ quyền không được thực hiện quyền của mình đối với một thiết kế bố bố trí (topograph) nguyên gốc trùng lặp được một bên thứ ba tạo ra một cách độc lập.

3. [Các biện pháp liên quan đến việc sử dụng không cần sự đồng ý của người nắm giữ quyền]

     (a) Bất kể đoạn (1), bất cứ Bên ký kết nào có thể quy định trong luật của mình khả năng   cấp li-xăng không độc quyền dành cho các cơ quan hành pháp hoặc tư pháp trong những hoàn cảnh đặc biệt, để bên thứ ba thực hiện bất kỳ một trong các hành vi đề cập tại khoản (1) mà không cần sự cho phép của người nắm giữ quyền ("li-xăng không tự nguyện"), sau khi bên thứ ba đó đã có những cố gắng phù hợp với hoạt động thương mại thông thường để đạt được sự cho phép đó nhưng không thành công, nếu cơ quan cấp phép thấy rằng việc cấp phép đó là cần thiết để bảo vệ một mục đích quốc gia mà cơ quan đó cho là có ý nghĩa sống còn; li-xăng không tự nguyện sẽ chỉ có thể được cấp để khai thác trong lãnh thổ của nước đó và bên thứ ba đó sẽ phải thanh toán cho người nắm giữ quyền một khoản đền bù thoả đáng.

   (b) Các quy định của Hiệp ước này sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do của bất cứ Bên ký kết nào trong việc áp dụng các biện pháp, bao gồm cả cấp li-xăng không tự nguyện, sau khi cơ quan hành pháp hoặc tư pháp thực hiện một thủ tục, trong quá trình áp dụng luật pháp của mình để đảm bảo tự do cạnh tranh và ngăn ngừa sự lạm dụng của người nắm giữ quyền.

   (c) Việc cấp li-xăng không tự nguyện nêu tại điểm (a) hoặc điểm (b) trên đây sẽ phải được xem xét lại theo thủ tục tư pháp. Bất cứ li-xăng không tự nguyện nào nêu tại điểm (a) sẽ bị huỷ bỏ khi các điều kiện nói tại điểm đó không còn tồn tại.

            (4) [Bán và phân phối các mạch tích hợp vi phạm đã tiếp nhận một cách không cố ý]

           Không lệ thuộc vào khoản (1)(a)(ii), không một Bên ký kết nào có nghĩa vụ phải coi là trái pháp luật việc thực hiện bất cứ hành vi nào nêu tại khoản đó đối với một mạch tích hợp mang một thiết kế bố trí (topograph) được sao chép trái pháp luật nếu khi tiếp nhận mạch tích hợp nói trên, người thực hiện hoặc người ra lệnh thực hiện hành vi đó không biết hoặc không có cơ sở hợp lý để biết rằng mạch tích hợp đó mang thiết kế bố trí (topograph) bị sao chép trái pháp luật.

            (5) [Hết quyền]

            Không lệ thuộc vào khoản (1)(a)(ii), bất cứ Bên ký kết nào cũng có thể coi là hợp pháp việc thực hiện bất cứ hành vi nào được nêu tại khoản đó mà không được phép của người nắm giữ quyền nếu hành vi đó được thực hiện liên quan đến một thiết kế bố trí (topograph) được bảo hộ, hoặc liên quan đến một mạch tích hợp trong đó thể hiện một thiết kế bố trí (topograph) như vậy đã được người nắm giữ quyền đưa ra thị trường hoặc cho phép đưa ra thị trường.

 

Điều 7

Khai thác; Đăng ký; Bộc lộ

            (1) [Khả năng yêu cầu khai thác]

            Bất cứ Bên ký kết nào cũng được tự do không bảo hộ một thiết kế bố trí (topograph) cho tới khi thiết kế bố trí đó được khai thác thương mại theo cách thông thường một cách riêng rẽ hoặc được thể hiện trong một mạch tích hợp, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

            (2) [Khả năng yêu cầu đăng ký; Bộc lộ]

            (a) Bất cứ bên ký kết nào cũng được tự do không bảo hộ một thiết kế bố trí (topograph) cho tới khi thiết kế bố trí đó (topograph) trở thành đối tượng của một đơn đăng ký nộp hợp lệ cho cơ quan có thẩm quyền, hoặc là đối tượng được đăng ký tại cơ quan đó; có thể yêu cầu đơn phải được kèm theo một bản sao hoặc bản vẽ thiết kế bố trí (topograph) đó, và nếu mạch tích hợp đã được khai thác thương mại thì kèm theo một mẫu của mạch tích hợp đó, cùng với thông tin về chức năng điện tử của mạch tích hợp đó theo ý định thiết kế; tuy nhiên, người nộp đơn có thể không cần đề cập trong bản sao hoặc bản vẽ đó các phần liên quan đến phương pháp sản xuất mạch tích hợp đó, miễn là các phần được nộp đủ để cho phép xác định rõ thiết kế bố trí (topograph) đó.

               (b) Nếu yêu cầu nộp đơn đăng ký theo điểm (a) trên đây, Bên ký kết có thể yêu cầu việc nộp đơn đó phải được thực hiện trong một thời hạn nhất định kể từ ngày người nắm giữ quyền lần đầu tiên khai thác thương mại theo cách thông thường thiết kế bố trí (topograph) mạch tích hợp đó ở bất cứ nơi nào trên thế giới; thời hạn đó không được ít hơn 2 năm tính từ ngày nói trên.

            (c) Việc đăng ký theo điểm (a) trên đây có thể phải thanh toán lệ phí.

 

Điều 8

Thời hạn bảo hộ

Thời hạn bảo hộ ít nhất sẽ là 8 năm.

 

Điều 9

Hội đồng

(1) [Thành phần]

(a) Liên minh sẽ có Hội đồng bao gồm các Bên ký kết.

(b) Mỗi Bên ký kết sẽ được đại diện bởi một đại biểu, có thể được giúp đỡ bởi các đại biểu thay thế, cố vấn và các chuyên gia.

(c) Phụ thuộc vào điểm (d), các chi phí của mỗi đoàn đại biểu do Bên ký kết đã chỉ định chi trả .

(d) Hội đồng có thể yêu cầu Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trợ giúp tài chính để tạo điều kiện cho việc tham gia của các đoàn đại biểu của các Bên ký kết được coi là các nước đang phát triển theo thông lệ của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

(2) [Chức năng]

     (a) Hội đồng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Liên minh và việc thi hành và hoạt động của Hiệp ước này.

     (b) Hội đồng sẽ quyết định triệu tập các hội nghị ngoại giao để xem xét lại Hiệp ước này và đưa ra các hướng dẫn cần thiết cho Tổng Giám đốc trong việc chuẩn bị hội nghị ngoại giao đó.

(c) Hội đồng sẽ thực hiện các chức năng được trao theo Điều 14 và thiết lập các thủ tục cụ thể được quy định tại Điều đó, bao gồm cả việc đầu tư tài chính cho các thủ tục đó.

(3) [Bỏ phiếu]

(a) Mỗi Bên ký kết là một Nước sẽ có một phiếu và sẽ chỉ bỏ phiếu dưới tên của mình.

(b) Mỗi Bên ký kết là một Tổ chức liên Chính phủ sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu của mình, thay cho các Nước thành viên của mình, với số phiếu bằng với số Nước thành viên của mình tham gia Hiệp ước này và có mặt vào thời điểm bỏ phiếu. Tổ chức liên Chính phủ sẽ không được thực hiện quyền bỏ phiếu của mình nếu có bất cứ Nước thành viên nào của Tổ chức này tham gia bỏ phiếu.

(4) [Các khoá họp thường kỳ]

Hội đồng sẽ họp định kỳ hai năm một lần theo sự triệu tập của Tổng Giám đốc.

(5) [Quy tắc hoạt động]

Hội đồng sẽ quy định các quy tắc hoạt động của mình, bao gồm cả việc triệu tập các khoá họp bất thường, các yêu cầu về số đại biểu cần thiết và các tỷ lệ đa số cần thiết đối với các quyết định khác nhau, theo các quy định của Hiệp ước này.

 

Điều 10

Văn phòng quốc tế

 

(1) [Văn phòng quốc tế]

(a) Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới sẽ:

   (i) thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính liên quan đến Liên minh, cũng như bất cứ nhiệm vụ nào được Hội đồng giao phó một cách cụ thể;

   (ii) tuỳ theo các nguồn tài chính, cung cấp trợ giúp kỹ thuật theo yêu cầu cho Chính phủ của các Bên ký kết là các Nước được coi là các nước đang phát triển theo thông lệ của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

(b) Không Bên ký kết nào có nghĩa vụ đóng góp tài chính, cụ thể là các Bên ký kết sẽ không phải đóng góp cho Văn phòng Quốc tế về tư cách thành viên của mình trong Liên minh.

(2) [Tổng Giám đốc]

Tổng Giám đốc sẽ là giám đốc điều hành của Liên minh và sẽ đại diện cho Liên minh.

 

Điều 11

Sửa đổi một số quy định của Hiệp ước

(1) [Sửa đổi một số quy định bởi Hội đồng]

Hội đồng có thể sửa đổi các định nghĩa quy định tại Điều 2(i) và (ii), cũng như các Điều 3(1)(c) và (d), 9(4), 10(1)(a) và 14.

(2) [ Đề xuất và thông báo đề nghị sửa đổi]

(a) Các kiến nghị theo Điều này về việc sửa đổi các quy định của Hiệp ước này được nêu tại đoạn (1) có thể được bất cứ Bên ký kết nào hoặc Tổng Giám đốc đề xuất.

(b) Các kiến nghị sửa đổi sẽ được Tổng Giám đốc thông báo cho các Bên ký kết chậm nhất là 6 tháng trước khi Hội đồng tiến hành xem xét.

     (c) Không được kiến nghị sửa đổi trước khi kết thúc 5 năm kể từ ngày Hiệp ước này có hiệu lực theo Điều 16(1).

         (3) [Đa số cần thiết]

Việc thông qua bất kỳ sửa đổi nào theo khoản (1) của Hội đồng sẽ phải đạt 4/5 số phiếu .

         (4) [Hiệu lực]

(a) Bất cứ sửa đổi nào đối với các quy định của Hiệp ước này được đề cập tại đoạn (1) sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc nhận được thông báo bằng văn bản về việc chấp thuận sửa đổi của 3/4 số Bên ký kết của Hội đồng tham gia vào thời điểm Hội đồng thông qua văn bản sửa đổi, được thực hiện theo quá trình hiến định tương ứng của mỗi nước. Bất cứ sửa đổi nào đối với các quy định trên được chấp nhận như vậy sẽ ràng buộc tất cả các Nước và các Tổ chức liên Chính phủ là các Bên ký kết vào thời điểm Hội đồng thông qua văn bản sửa đổi đó hoặc trở thành Bên ký kết sau đó, trừ các Bên ký kết đã thông báo bãi ước đối với Hiệp ước này theo Điều 17 trước khi văn bản sửa đổi có hiệu lực.

(b) Khi xác định 3/4 số phiếu theo yêu cầu nêu tại điểm (a), thông báo của một Tổ chức liên Chính phủ sẽ chỉ được tính nếu không có bất cứ thông báo nào khác của bất kỳ Nước thành viên nào của Tổ chức đó đưa ra.

 

Điều 12

Bảo vệ Công ước Paris và Công ước Berne

            Hiệp ước này không được làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ mà bất cứ Bên ký kết nào có thể có theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp hoặc Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.

 

Điều 13

Bảo lưu

            Không được bảo lưu bất cứ điều khoản nào trong Hiệp ước này.

 

Điều 14

Giải quyết tranh chấp

            (1) [Thương lượng]

            (a) Trường hợp có bất cứ tranh chấp nào nảy sinh liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp ước này, một Bên ký kết có thể đưa vấn đề ra trước một Bên ký kết khác và yêu cầu Bên ký kết đó cùng thương lượng.

(b) Bên ký kết được yêu cầu thương lượng sẽ nhanh chóng tạo cơ hội thích hợp cho các cuộc thương lượng theo yêu cầu.

(c) Các Bên ký kết tham gia thương lượng sẽ cố gắng để trong một thời hạn hợp lý đạt được giải pháp giải quyết tranh chấp thoả đáng đối với cả hai bên.

(2) [Các biện pháp giải quyết tranh chấp khác]

            Nếu không đạt được một giải pháp thoả đáng đối với cả hai bên trong một thời hạn hợp lý thông qua thương lượng nêu tại đoạn (1), các bên tranh chấp có thể thoả thuận sử dụng các biện pháp giải quyết khác đã được quy định để giải quyết tranh chấp theo con đường hoà bình, như hoà giải, trọng tài.

(3) [Hội đồng giải quyết tranh chấp]

            (a) Nếu tranh chấp không được giải quyết một cách thoả đáng thông qua thủ tục thương lượng nêu tại khoản (1) hoặc nếu các biện pháp nêu tại đoạn (2) không được sử dụng, hoặc không đạt được giải pháp hoà bình trong một thời hạn hợp lý, theo yêu cầu bằng văn bản của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng sẽ triệu tập một hội đồng giải quyết tranh chấp gồm 3 thành viên để xem xét vấn đề. Các thành viên của hội đồng giải quyết tranh chấp sẽ không được chọn từ các bên tranh chấp, trừ khi các bên tranh chấp có thoả thuận khác. Những thành viên này sẽ được chọn trong danh sách các chuyên gia chính phủ được chỉ định do Hội đồng lập ra. Phạm vi thẩm quyền của hội đồng sẽ do các bên tranh chấp thoả thuận. Nếu không đạt được thoả thuận như vậy trong vòng 3 tháng, Hội đồng sẽ giới hạn thẩm quyền của hội đồng giải quyết tranh chấp sau khi tham khảo ý kiến các bên tranh chấp và các thành viên của hội đồng giải quyết tranh chấp. Hội đồng giải quyết tranh chấp sẽ tạo điều kiện đầy đủ cho các bên tranh chấp và bất cứ Bên ký kết nào có lợi ích liên quan trình bày quan điểm của mình. Theo yêu cầu của cả hai bên tranh chấp, hội đồng giải quyết tranh chấp sẽ đình chỉ thủ tục giải quyết vụ việc.

            (b) Hội đồng sẽ ban hành các quy tắc về việc lập danh sách chuyên gia nêu trên, và cách thức lựa chọn các thành viên của hội đồng giải quyết tranh chấp là các chuyên gia chính phủ của các Bên ký kết và việc tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp, bao gồm cả các quy định để bảo vệ bí mật của vụ việc và bất cứ tài liệu nào được các bên tham gia vụ việc coi là bí mật.

            (c) Trừ khi các bên tranh chấp đạt được một thoả thuận trước khi hội đồng giải quyết tranh chấp kết thúc vụ việc, hội đồng giải quyết tranh chấp sẽ nhanh chóng chuẩn bị và chuyển cho các bên tranh chấp một báo cáo bằng văn bản để họ có ý kiến. Các bên tranh chấp sẽ có một thời hạn hợp lý do hội đồng giải quyết tranh chấp ấn định để đưa ra các bình luận về báo cáo cho hội đồng giải quyết tranh chấp, trừ khi các bên tranh chấp thoả thuận một thời hạn dài hơn để cố gắng đạt được một giải pháp thoả mãn đôi bên về tranh chấp của họ. Hội đồng giải quyết tranh chấp sẽ xem xét các ý kiến bình luận và nhanh chóng chuyển báo cáo cho Hội đồng. Báo cáo sẽ bao gồm các sự kiện và khuyến nghị về giải pháp giải quyết tranh chấp, và kèm theo các ý kiến bình luận bằng văn bản của các bên tranh chấp, nếu có.

            (4) [Kiến nghị của Hội đồng]

            Hội đồng sẽ nhanh chóng đưa báo cáo của hội đồng giải quyết tranh chấp ra xem xét. Theo nguyên tắc nhất trí, Hội đồng sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các bên tranh chấp, trên cơ sở các giải thích của Hội đồng về Hiệp ước này và báo cáo của hội đồng giải quyết tranh chấp.

 

Điều 15

Trở thành thành viên của Hiệp ước

            (1) [Điều kiện để trở thành thành viên]

            (a) Bất cứ Nước thành viên nào của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hoặc của Liên hợp quốc đều có thể trở thành thành viên của Hiệp ước này.

            (b) Bất cứ Tổ chức liên Chính phủ nào đáp ứng các yêu cầu của Điều 2(x) đều có thể trở thành thành viên của Hiệp ước này. Tổ chức đó sẽ thông báo cho Tổng Giám đốc về thẩm quyền của mình và bất cứ thay đổi nào về thẩm quyền sau đó về các vấn đề được điều chỉnh bởi Hiệp ước này. Tuy nhiên, không làm tổn hại đến bất kỳ nghĩa vụ nào theo Hiệp ước này, Tổ chức đó và các Thành viên của tổ chức đó có thể quyết định các trách nhiệm tương ứng của họ đối với việc thi hành các nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước này.

            (2) [Gia nhập]

            Một Nước hoặc một Tổ chức liên Chính phủ sẽ trở thành thành viên của Hiệp ước này bằng cách:

            (i) ký kết sau đó nộp lưu văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, chuẩn y hoặc;

(ii) nộp lưu văn kiện gia nhập.

            (3) [Nộp lưu văn kiện gia nhập]

            Văn kiện nêu tại khoản (2) sẽ được nộp lưu cho Tổng Giám đốc.

           

Điều 16

Ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp ước

            (1) [Hiệu lực ban đầu]

            Đối với 5 Nước hoặc Tổ chức liên Chính phủ đầu tiên nộp lưu văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, chuẩn y hoặc gia nhập, Hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng tính từ ngày văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, chuẩn y hoặc gia nhập thứ năm được nộp lưu.

            (2) [Các Nước và các Tổ chức liên Chính phủ không nằm trong phạm vi hiệu lực ban đầu]

            Hiệp ước này sẽ có hiệu lực đối với các Nước và Tổ chức liên Chính phủ không nằm trong phạm vi hiệu lực ban đầu quy định tại khoản (1) sau 3 tháng kể từ ngày Nước hoặc Tổ chức liên Chính phủ đó nộp lưu văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, chuẩn y hoặc gia nhập trừ khi ngày có hiệu lực muộn hơn được chỉ ra trong văn kiện phê chuẩn đó và trong trường hợp này, Hiệp ước sẽ có hiệu lực đối với Nước hoặc Tổ chức liên Chính phủ đó nào ngày đã chỉ ra trong văn kiện gia nhập.

            (3) [Bảo hộ các thiết kế bố trí (topograph) tồn tại vào thời điểm Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực]

            Bất cứ Bên ký kết nào cũng có quyền không áp dụng Hiệp ước này cho bất cứ thiết kế bố trí (topograph) nào đang tồn tại vào thời điểm Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực đối với Bên ký kết đó, với điều kiện là quy định này không làm ảnh hưởng đến bất kỳ sự bảo hộ nào mà thiết kế bố trí (topograph) đó có thể được hưởng tại thời điểm đó trong phạm vi lãnh thổ của Bên ký kết đó theo các nghĩa vụ quốc tế không phải là các nghĩa vụ bắt nguồn từ Hiệp ước này hoặc từ pháp luật của Bên ký kết nói trên.

 

Điều 17

Bãi ước

            (1) [Thông báo]

            Bất cứ Bên ký kết nào đều có thể bãi ước đối với Hiệp ước này bằng cách thông báo cho Tổng Giám đốc.

            (2) [Ngày có hiệu lực]

            Việc bãi ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng giám đốc nhận được thông báo bãi ước.

 

Điều 18

Văn kiện Hiệp ước

            (1) [Bản gốc]

            Hiệp ước này được làm thành một bản gốc duy nhất bằng tiếng Anh, arập, Trung Quốc, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, tất cả các bản đều có giá trị như nhau.

(2) [Bản chính thức]

Các bản chính thức bằng các ngôn ngữ khác mà Hội đồng có thể chỉ định sẽ được Tổng Giám đốc lập, sau khi tham khảo ý kiến của các Chính phủ có liên quan.

 

Điều 19

Lưu chiểu

 

Tổng Giám đốc sẽ lưu chiểu Hiệp ước này.

 

Điều 20

Ký kết

 

            Hiệp ước này sẽ được để ngỏ để ký kết với Chính phủ Hoa Kỳ từ 26/5/1989 đến ngày 25/8/1989 và từ 26/8/1989 đến 25/5/1990 tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Với sự chứng kiến lẫn nhau, những người được uỷ quyền hợp pháp sau đây đã ký Hiệp ước này.

Làm tại Washington, 26/5/1989.

 

 

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2662407
TodayToday456
YesterdayYesterday366
This WeekThis Week2072
This MonthThis Month11056
All DaysAll Days2662407
Highest 01-12-2015 : 9844